Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 công lập không chuyên năm học 2024-2025.
Tuy nhiên, với hệ thống các trường tư thục trên địa bàn, nếu học sinh không đủ điểm trúng tuyển lớp 10 trường công lập, có thể đăng ký dự tuyển vào các trường tư thục có sử dụng điểm thi lớp 10 hoặc lựa chọn nguyện vọng dự tuyển vào nhiều loại hình trường khác.
Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, bên cạnh việc đồng hành cùng con ôn luyện, các gia đình học sinh đã sớm chủ động tìm kiếm phương án dự phòng trường hợp con không trúng tuyển lớp 10 trường công lập. Việc tăng tính chủ động của gia đình học sinh đã giúp các em giảm áp lực kỳ thi.
Trên các diễn đàn, hội nhóm, có khá nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cũng như duy trì tâm lý ổn định cho con, trong đó có cả phương án chủ động dự phòng trong trường hợp con không đủ khả năng thi công lập hoặc dự thi nhưng không đỗ.
Chị Lưu Thúy An, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy) cho biết, nhận thấy con có sức học vừa phải, khó có khả năng "bứt phá" ở giai đoạn tăng tốc nên gia đình chị đã bàn bạc, đăng ký cho con xét tuyển học bạ vào 1 trường tư thục cùng quận. Tuy nhiên, chị vẫn động viên con ôn tập hết khả năng để con không hối tiếc khi có kết quả của kỳ thi.
"Con tôi trượt cả hai nguyện vọng công lập nhưng gia đình không quá buồn và sốc vì con đã có tên trong danh sách trúng tuyển của trường tư thục từ trước. Điều này cũng làm không khí gia đình không bị nặng nề, còn con thì sẵn sàng vào học ở môi trường mới", chị Lưu Thúy An chia sẻ.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng) cho biết, kết quả khảo sát hằng tháng với ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh của con ở trường đều ở mức thấp. Sau một thời gian đồng hành với nhà trường, gia đình nhận thấy không nên gây áp lực cho con bằng việc yêu cầu quá năng lực. Do đó, gia đình anh Tuấn đã chủ động đăng ký, nộp hồ sơ cho con vào trường tư thục gần nhà để con có điều kiện phát triển môn Tiếng Anh vốn là thế mạnh của con.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng học tập của học sinh. Năm học 2024 - 2025, ngoài hệ thống các trường trung học phổ thông công lập, Hà Nội còn có hơn 100 trường tư thục, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và gần 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tuyển học sinh lớp 10.
"Nhiều năm nay, thành phố Hà Nội duy trì chủ trương bảo đảm chỗ học cho 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Ngành Giáo dục Hà Nội đã và đang tích cực tham mưu với thành phố triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn để mở rộng quy mô, mạng lưới trường học, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô", ông Trần Thế Cương cho biết.